TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Hàng Việt Nam- 3 thách thức để chinh phục người tiêu dùng

"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang trở thành một cuộc vận động lớn, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước. Thế nhưng, cuộc chinh phục lòng tin người tiêu dùng đang là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt.

 

Gian hàng Vinacafé tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao – 2009

luôn được người tiêu dùng ưu ái

 

Cuộc vận động sử dụng hàng Việt Nam  đã được khởi động hơn 10 năm nay với chương trình "Hàng Việt Nam  chất lượng cao" do Báo Sài Gòn tiếp thị khởi xướng. Hàng năm, thông qua các cuộc bình chọn của người tiêu dùng, các doanh nghiệp lọt vào danh sách "Hàng Việt Nam chất lượng cao" ngày càng nhiều, và đến nay đã trở thành thương hiệu cho sản phẩm Việt. Thực tế, hàng năm qua các hội chợ chuyên đề về "Hàng Việt Nam chất lượng cao" được tổ chức ở nhiều vùng miền trong cả nước đã luôn minh chứng về sự uy tín và mức độ tin cậy của hàng Việt, thông qua sự tham quan và mua sắm đông đảo của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cuộc chinh phục người tiêu dùng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn đứng trước nhiều cam go, thách thức lớn. Điều dễ thấy, đó là đa số doanh nghiệp trong nước đều thuộc loại nhỏ và vừa nên khả năng tiếp thị, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm còn yếu kém. Đây là điều hoàn toàn bất lợi cho sản phẩm Việt Nam khi "đụng hàng" với doanh nghiệp nước ngoài. Cho dù, doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế hơn so với doanh nghiệp nước ngoài là am hiểu tập quán sản xuất và tiêu dùng trong nước. Rất nhiều sản phẩm "nội" hoàn toàn bị lép vế trước các chiêu thức quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... của sản phẩm "ngoại". Tạo được ấn tượng đối với người tiêu dùng Việt khi ra mắt sản phẩm mới, về lĩnh vực này,  doanh nghiệp nước ngoài luôn tỏ rõ sự vượt trội so với doanh nghiệp Việt. Rất nhiều doanh nghiệp Việt, kể cả tổng công ty lớn, vẫn chưa chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.

Không chỉ có thế, yếu kém hiện nay đối với doanh nghiệp Việt là chưa tổ chức được mạng lưới phân phối rộng khắp; chưa tiếp cận đến người tiêu dùng và làm tốt hậu mãi, nhất là ở khu vực thị trường nông thôn (70% dân số sống ở nông thôn). Điều này đã dẫn đến hệ quả là ở thị trường nông thôn sự xuất hiện hàng ngoại khá phổ biến, từ hàng rẻ tiền tới đắt tiền; còn hàng nội địa thường là hàng rẻ tiền nhưng chất lượng kém. Ở Đồng Nai, Vinacafé Biên Hòa là một điển hình giỏi về việc xây dựng, phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trong toàn quốc.

Mới đây, Chính phủ thông qua chương trình "Xúc tiến thị trường nội địa 2009", đặt trọng tâm đưa hàng về nông thôn. Đây là cơ hội tốt và là những bước đi ban đầu để doanh nghiệp Việt thiết lập mạng lưới phân phối và chinh phục thị trường nông thôn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không kiên trì đeo bám lâu dài thị trường nông thôn mà chỉ muốn "đánh lẻ, đánh quả" để vượt qua hoàn cảnh khó khăn về suy thoái thì việc quay lưng lại với thị trường nông thôn sẽ tiếp tục tái diễn.

Việc đầu tư cho công tác "nghiên cứu và phát triển" sản phẩm cũng rất ít được doanh nghiệp trong nước quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, đội ngũ thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới trong nước vừa ít vừa yếu. Nhiều doanh nghiệp lớn, có tên tuổi ở Việt Nam, điển hình như gốm Minh Long - Bình Dương phải thuê mướn nhiều chuyên gia thiết kế, sáng tác mẫu mã là người nước ngoài, với chi phí tốn kém gấp hàng chục lần so với người trong nước. Do không đầu tư cho  "nghiên cứu và phát triển" đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt hay đánh cắp mẫu và làm hàng nhái sản phẩm của đồng nghiệp.

Sự gia tăng uy tín cho sản phẩm Việt là do chính doanh nghiệp Việt quyết định. Cần phải có thời gian và làm kiên trì, hơn là giải pháp tình thế quay về thị trường nội địa nhằm chống đỡ với suy giảm kinh tế thế giới. Hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng và uy tín để "thoát khỏi lũy tre làng" và bước ra thị trường thế giới. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định để "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thế nhưng cũng cần có sự tham gia, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... để hạn chế tác động tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Xuân Phú

Theo: Báo Đồng Nai
Tin khác